Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Yếu tố rừng trong văn hóa Raglai .. phần 2

 YẾU TỐ RỪNG TRONG VĂN HÓA RAGLAI

Bên cạnh nhang núi (yàc chưq), nhang rừng (yàc dlai), nhang nước (yàc ia)… ban cho con người của cải trong rừng, cấp nguồn nước để ăn uống và chăm sóc cây trồng, rừng còn có nhang độc, nhang xấu, ó malai hại người (yàc lageh jhàq vhòq salac camalai majin).
Người Raglai vẫn yên tâm sống ở núi rừng hàng ngàn đời nay vì họ vẫn tin tưởng rằng rừng không có ma thú dữ. Cọp báo ăn thịt người là chúng đã phạm vào điều ác, phản lại chúa nhang rừng sẽ bị trừng trị những con vật hung ác đó nếu chúng xâm hại đến người.
 Sông suối, núi rừng là của nhang, của trời, của chúa thần, vì vậy người Raglai chỉ biết tôn trọng và gìn giữ bằng cách làm nhà ở xa dòng sông lớn, xa đất đai bằng phẳng, xa hồ ao, xa đỉnh núi cao và cấm kị không mang những đồ vật được xem là ô uế đối với núi rừng như soong nồi, đá táo, cối giả, sàng sãy, nong nia. Nếu vi phạm nhang sẽ phạt vạ. Cây to tuyệt đối không được chặt, không làm sứt mẻ; không được làm rẫy nương ở núi cao. Đất bằng là ruộng đất của nhang, cây to là nơi các vị thần trú ngụ. Hồ ao là ruộng của ông bà. Sườn núi đồi là đường đi của các vị thần. Theo quan niệm của người Raglai, thần linh cũng sản xuất và ăn ở như loài người, họ ăn ở tại thế  giới riêng nhưng các tài sản của họ lại chung với con người.
Núi rừng từ xa xưa đã gắn chặt vào người Raglai trong mọi hoạt động sống của mình, ngay bản thân họ, một số người chúng tôi phỏng vấn vẫn tự nhận là người của rừng (Ràc dlai). Là người của rừng núi nên người Raglai ở chổ nào, sản xuất ở đâu cũng đều phải xin phép thần núi, thần rừng, tuyệt đối không xâm phạm vào đất đai của người khác. Mỗi gia đình, mỗi làng đều có “địa giới riêng” của mình để canh tác, cư trú. Người nào đi lang thang không có nơi ở cố định được xem là người khỉ. Vì chỉ có kẻ độc ác mới sống lang thang, kẻ đó như con ong không có tổ, như con khỉ không có bầy.
Núi rừng người Raglai ở nhiều sông , suối, có nhiều vũng sâu. Nước được người Raglai sử dụng là nước của những dòng suối hàng năm không có lũ quét gây ra sạt lở đất, nước luôn trong vắt. Trước đây theo quan niệm của họ nước trong vắt của những dòng suối không bị sạt lở này có thể uống ngay, không cần đun sôi. Để giữ môi trường trong làng luôn trong sạch và giữ nguồn nước uống chung cho cả làng, nhà ở người Raglai luôn ở xa dòng suối. Nước được dẫn về đến sàn ngoài nhà sàn, dẫn về đến nền nhà nhờ vào hệ thống mương máng. Mương máng này có thể làm bằng cây lồ ô, cây cau hay cây đùng đình (như cây cau, cây dừa nhưng mọc ở trong rừng chứ không phải là cây trồng). Đàn ông, trai tráng thì được ra sông ra suối tắm rửa. Đàn bà, con trẻ thì dùng nước từ mương máng để nấu ăn, giặt áo quần…Nước sử dụng xong lại cho chảy theo đường rãnh ra xa nhà và cho thấm vào đất chứ không được cho chảy vào sông suối. Đây là điều kiêng cử, vì nhang nước (yàc ia) sẽ phạt vạ nếu làm ô uế.
Rừng cây cối cỏ tranh là vợ bé của thần Mặt trời. Đi ngang đám cỏ tranh phải đi nhanh, không đi bằng chân không, phải mang giày, mang dép. Đi chậm ông mặt trời tưởng chúng ta quan hệ với vợ bé, ông sẽ cho gai tranh đâm và chân ngay. Vì vậy,  khi đi đâu trở về gặp lúc trời xế chiều, người Raglai thường buộc ba túm cỏ tranh lại vác trên vai và nói: “Ông trời phải chờ vợ ông với, vợ ông đang có chữa có mang trong bụng không đi nhanh theo ý của ngài được. Tui đang đi với vợ ông đây,  ông hãy chờ vợ ông với”. Nếu làm như vậy dù đi thêm mấy rựa , mặt trời có cách một sải tay vẫn về đến nhà kịp lúc trời tối.
Người Raglai có tập quán canh tác trên đất rẫy của ông bà mình để lại. Núi nào thì làng đó thờ, rẫy nhà nào thì nhà đó canh tác chứ không xâm chiếm qua rẫy nương người ta. Đất rẫy được chôn cất người chết trong gia đình mình, tuyệt đối không chôn sang đất rẫy người khác. Hoa màu thu hoạch được, nếu chưa cúng cho nhang thì nhất thiết chưa được ăn. Làm cháy núi cháy rừng là phạm đến chổ ở các vị thần linh. Đốt rẫy mình làm cháy rẫy nương hoa màu, cháy mồ mả của người khác, ăn cắp hoa màu rẫy nương người khác .. . là điều tối kị. Người vi phạm   sẽ bị cọp bắt, rắn cắn, trời sẽ khiến xui cho chết bất đắc kì tử (valah vanriac)…
Khi làm rẫy, người Raglai có tục làm đường ranh trước khi đốt rẫy gọi là papahnã. Công việc này cả làng cùng giúp nhau, lần lượt đổi công hết nhà người này sang nhà người khác. Mùa đốt rẫy cũng là mùa uống rượu cần. Các nhà có rẫy đốt trong năm gọi là djùq tapa pa papahnã chuh tanãh.
Người Raglai từ xưa đến nay giữ gìn rừng núi rất kỹ lưỡng, họ không dám để ra cháy rừng. Khi được hỏi ở các khu vực ở Khánh Sơn cũng như ở vùng khác có người Raglai cư trú nhưng không có rừng nữa, những cánh rừng rậm rạp xưa kia nay chỉ toàn lau lách, cỏ tranh… thì các người già  Raglai trả lời rằng trước đây có một tộc người khác đến đây ở (?). Họ có tập quán canh tác khác hẳn với người Raglai. Họ khai thác cả núi để canh tác, làm nương rẫy đến cạn kiệt núi rừng làm cho cây không mọc, không còn ai đi rãi hạt giống cây trên núi nữa nên mới thành đất trống đồi trọc . Những  người này đã phá lâu đài của chúa thần, của nhang, làm sụp đổ núi. Núi rừng là của người Raglai, nay núi rừng bị tàn phá, lâu đài của thần bị sụp đổ thì người Raglai phải gánh chịu tai ương, bị dịch bệnh hạn hán hoằng hoành. Vì  người Raglai không biết gìn giữ nơi cư trú của thần linh, thú rừng bị săn bắt, bị giết hại thì kẻ mang tội vẫn là người Raglai(?).
Còn tiếp..... ( sưu tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét